CHÙA ĐẬU – DI SẢN VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO QUỐC BẢO THIÊNG LIÊNG

23/12/2021 09:28

CHÙA ĐẬU – DI SẢN VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO,

 QUỐC BẢO LINH THIÊNG!

 

        Chùa Đậu có tên chữ là “Thành Đạo Tự” tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội; là di sản văn hóa quý hiếm vô giá của địa phương của đất nước; chùa đã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 1964.

       Chùa được xây dựng từ thời Sỹ Nhiếp (Sỹ Vương) từ thế kỷ thứ III (cách đây gần hai nghìn năm). Chùa có 5 tên gọi: 1- Thành Đạo Tự; 2- Pháp Vũ Tự; 3- Chùa Vua; 4-Chùa Bà; 5- chùa Đậu; Chùa thờ Đại Thánh Bồ Tát Pháp Vũ (là một trong tứ Pháp) nên gọi là Pháp Vũ Tự; do nhà Vua chọn đất làm chùa và chỉ dành cho bậc Vua, Chúa đến lễ, người dân chỉ được đến lễ trong 3 ngày Hội nên gọi là Chùa Vua; Bồ Tát hiện thân nữ nên gọi là Chùa Bà; Bậc chí sĩ cầu nghiệp lớn được đậu, người dân trồng cây cầu được tốt tươi, đơm hoa kết trái, mùa màng nông nghiệp được bội thu từ đó trong dân gian gọi là Chùa Đậu. Để tả cảnh đẹp và công đức vô lượng vô biên của Chùa Đậu, Sỹ Nhiếp có thơ rằng:

 

Đồng bằng bát ngát nẩy tòa sen

Phật ngự trang nghiêm tựa động tiên,

Đất Phúc xây lên cung nguyệt điện

Trời Nam riêng hẳn cảnh thiên nhiên,

Lô hương khói tỏa tan niềm tục

Hồ ngọc trăng soi rõ cửa thiền,

Công đức từ bi bao xiết kể

Công lao vô lượng lại vô biên.

                                                    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

( Trích sách đồng)

 

       Chùa đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa  Quốc gia năm 1964; đặc biệt tại đây thờ và lưu giữ tượng thiền táng Toàn Thân Xá Lợi gần 400 năm của 2 vị thiền sư đắc đạo là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã được Chính phủ Quyết định công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2016.

       Chùa được xây dựng theo kiểu hình chữ hán “nội Công ngoại Quốc”; Chùa Đậu là công trình tâm linh đồ sộ tráng lệ  gồm nhiều hạng mục: Trước tiên là Tam quan-Gác chuông 2 tầng và 8 mái, tại các góc mái có những ngọn đao dài cong vút, các con chồng, đầu dư, bức cốn đều được chạm khắc rồng, phượng, chim thú, vân mây, hoa lá tiếp theo là các hạng mục như sân chùa, Tả vu, Hữu vu, Tiền Đường, Hành lang Tả Hữu, ở giữa chùa là Đại Điện Tam Bảo, khép kín khôn viên nội tự là Nhà thờ tổ. Tại Tiền Đường, Đại Điện Tam Bảo, Nhà thờ tổ có số lượng chạm khắc gỗ rất lớn và phong phú rồng, phượng, chim, thú, vân mây, hoa lá,  Nhà tiền đường còn chạm khắc những bức hình tiên nữ đầu người mình chim và những chàng trai dũng mãnh cưỡi rồng đánh hổ rất tinh sảo tuyệt diệu đậm đà phong cách thời Lê, thời Lý, thời Mạc và thời Nguyễn.

       Tại chùa còn rất nhiều di vật, cổ vật vô giá đã có hàng trăn, hàng nghìn năm tuổi như Rồng đá Thời Trần, Sách đồng, các Văn Bia bằng đá, Chuông…

       Hàng năm, tại 3 ngày Hội chùa Đậu (từ ngày mồng 8 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch) và các ngày trong năm, Chùa Đậu đã đón hàng chục nghìn khách thập phương về đây lễ Phật, lễ Đại Thánh Bồ Tát Pháp Vũ và du lịch tham quan thắng cảnh tâm linh.

       Về Chùa Đậu là đến với Đất Phật, cầu được mọi điều may mắn và thành công huyên mãn!

                                                           

                                                                     Tháng 12 năm 2020

                                                                  

 

 

 

UBND xã Nguyễn Trãi